UBND THÀNH PHỐYÊN BÁI PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - TRUNG TÂM Y TẾ ________________ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc __________________________ |
Số: 24/KHLN- PGD&ĐT-TTYT |
TP. Yên Bái, ngày 08 tháng 10 năm 2012 |
KẾ HOẠCH
Hoạt động công tác Y tế trường học năm học 2012 – 2013
______________________
Thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12/7/2006 của Thủ Tướng Chính phủ về việc “Tăng cường công tác y tế trong các trường học”;
Căn cứ vào kế hoạch số 69/KHLN- SYT- SGD&ĐT ngày 30/9/2010 của Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái về “Kế hoạch hoạt động công tác y tế trường học giai đoạn 2011-2015”;
Thực hiện kế hoạch số 551/KHLN-SYT-SGD&ĐT ngày 19 tháng 6 năm 2012 của Sở Y tế, Sở giáo dục và Đào tạo Tỉnh Yên Bái về hoạt động công tác y tế trường học năm học 2012- 2013,
Phòng Giáo dục và Đào tạo - Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái xây dựng kế hoạch hoạt động công tác y tế trường học trong năm học 2012 – 2013 như sau :
I. MỤC TIÊU.
1. Mục tiêu chung
Củng cố hoạt động y tế trường học và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác y tế trường học ở tất cả các tuyến nhằm hạn chế các yếu tố nguy cơ, góp phần giảm tỷ lệ mắc một số bệnh, tật học đường như: Tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng và thay đổi hành vi vệ sinh ở lứa tuổi học sinh tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện thể chất và tinh thần, có sức khỏe tốt để học tập.
2. Mục tiêu cụ thể
- Củng cố và kiện toàn hệ thống tổ chức y tế trường học tất cả các cấp. Đảm bảo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh trong các nhà trường (Ban CSSK học sinh tại các trường).
- Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác y tế trường học.
- 100% trường học trên địa bàn tỉnh được kiểm tra ít nhất 01 lần/năm học về các hoạt động y tế trường học của nhà trường.
- 100% số trường tổ chức khám quản lý sức khoẻ định kỳ cho học sinh vào đầu năm học và có hồ sơ quản lý sức khoẻ học sinh.
- Kiểm tra các yếu tố vệ sinh trường học 100% số trường.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG.
1. Tổ chức, chỉ đạo
Các nhà trường thành lập, củng cố, kiện toàn Ban chăm sóc sức khoẻ học sinh. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm y tế trường học.
2. Vệ sinh môi trường và học đường.
- Phát động thường xuyên phong trào xây dựng trường học Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, trường học có sân chơi, bãi tập thể dục thể thao, có đầy đủ nhà tiểu, hố tiêu hợp vệ sinh và nước sạch sử dụng, cống rãnh thông thoát, thu gom rác và có nơi xử lý rác triệt để.
- Giám sát và đảm bảo các yếu tố vệ sinh trường học: Môi trường học tập, ánh sáng, phương tiện, thiết bị học tập và giảng dạy theo tiêu chuẩn vệ sinh.
- Tất cả các trường (kể cả các điểm trường) cần có nhà tiểu, nhà tiêu phục vụ nhu cầu vệ sinh của học sinh, các trường phấn đấu có nhà tiêu đạt các tiêu chí vệ sinh theo QCVN 01: 2011/BYT của Bộ Y tế.
3. Vệ sinh an toàn thực phẩm
- Các trường phải có đủ nước sạch cho học sinh, giáo viên uống theo quy định.
- Đối với các trường có học sinh học 2 buổi/ngày phải tổ chức bếp ăn phục vụ ăn uống cho học sinh, thực hiện nghiên túc quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học.
4. Chăm sóc sức khỏe học sinh, phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường.
- Bố trí phòng y trường học tế học: Đây là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu các trường hợp ốm đau, tai nạn…, phòng y tế phải có giường, chăn, gối để người ốm, tai nạn nằm nghỉ, có cán bộ y tế chăm sóc. Khi có học sinh mắc bệnh phải chuyển viện, nhà trường cần vận chuyển đến cơ sở y tế đảm bảo an toàn, nhanh chóng kịp thời.
- Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh, có sổ quản lý hồ sơ sức khoẻ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tổ chức thực hiện tốt các dự án, chương trình y tế đưa vào nhà trường. Đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh, công tác hội chữ thập đỏ trong trường học.
5. Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ.
Công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác y tế trường học. Nội dung tuyên truyền, giáo dục, tư vấn các vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố tổ chức tốt việc mua bảo hiểm y tế cho học sinh theo quy định.
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho học sinh dưới các hình thức như học tập ngoại khóa, tuyên truyền vào các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, phát thanh trên loa đài của nhà trường về vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh, tìm hiểu về bệnh phong, tật khúc xạ học đường, bệnh chân tay miệng ...
6. Kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác y tế trường học.
- Giám sát, hỗ trợ việc triển khai công tác y tế trường học là việc làm thường xuyên của các đơn vị nhằm đảm bảo các hoạt động y tế tại các nhà trường được thực hiện và hiệu quả.
- Việc kiểm tra đánh giá công tác y tế trường học được nhà trường thực hiện thường xuyên theo các nội dung trên, ngoài ra Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế thành phố có kế hoạch kiểm tra riêng.
III. KINH PHÍ ĐẢM BẢO
1. Nguồn kinh phí cho công tác y tế trường học từ ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo hàng năm của các cơ sở giáo dục theo phân cấp hiện hành và kinh phí được để lại từ quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của học sinh.
2. Nguồn từ các chương trình, dự án và các nguồn thu hợp pháp khác.
3. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo Thông tư số 14/2007/TT-BTC ngày 8 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện công tác y tế trong các trường học.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Phòng Giáo dục và Đào tạo.
- Chủ trì xây dựng và thống nhất với phòng Y tế, Trung tâm Y tế thành phố về kế hoạch y tế trường học năm học 2012-2013 của thành phố và tổ chức thực hiện.
- Triển khai nội dung hoạt động y tế trường học tới các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, TH&THCS trên địa bàn phụ trách và là đầu mối trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các trường thực hiện công tác y tế trường học.
- Hàng năm tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức y tế trường học cho nhân viên làm công tác y tế trong trường học. Phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế giám sát, kiểm tra, đánh giá, đôn đốc các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác y tế trường học.
- Báo cáo đầy đủ nội dung hoạt động y tế về Sở GD&ĐT theo quy định.
2. Phòng Y tế
- Tham mưu cho UBND huyện thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo y tế trường học cấp huyện. Phối hợp với Phòng giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế thành phố xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế trường học năm học và giai đoạn trình Ban chỉ đạo huyện và đôn đốc các đơn vị liên quan triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
- Phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế thành phố kiểm tra, giám sát các hoạt động y tế trường học tại các xã, phường và các nhà trường.
3. Trung tâm Y tế.
- Chỉ đạo các trạm y tế xã, phường khám, quản lý sức khỏe định kỳ và triển khai các chương trình y tế có liên quan cho học sinh các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.
- Hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật y tế trường học cho các trường trên địa bàn thành phố.
- Chủ trì xây dựng kế hoạch và thống nhất, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động y tế trường học của các trường MN, TH, THCS, TH&THCS trên phạm vị toàn thành phố theo Thông tư liên tịch số: 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT.
Sau mỗi đợt kiểm tra cung cấp số liệu kiểm tra công tác y tế trường học tại các trường cho Phòng GD&ĐT để thống nhất số liệu trong công tác báo cáo.
- Báo cáo đầy đủ nội dung hoạt động y tế về Trung tâm y tế dự phòng tỉnh theo quy định:
+ Học kỳ I: Cuối tháng 12.
+ Kết thúc năm học: Cuối tháng 5.
4. Trạm Y tế xã, phường.
- Cử một cán bộ chuyên trách theo dõi về công tác y tế trường học, tham gia vào Ban chăm sóc sức khoẻ học sinh của nhà trường.
- Phối hợp với nhà trường làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ học sinh: Có các bài viết, tài liệu tuyên truyền giáo dục sức khoẻ; hỗ trợ, phối hợp với nhà trường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, học tập ngoại khoá, thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế đưa vào nhà trường.
- Thường xuyên cùng ban CSSK học sinh nhà trường tuyên truyền GDSK, kiểm tra công tác vệ sinh, đánh giá hoạt động y tế trường học, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh (khối mầm non, tiểu học, THCS) để phân loại thể lực, phân loại sức khỏe học sinh và có hướng giải quyết kịp thời: Học sinh có sức khỏe yếu, học sinh có bệnh tật chuyển chuyên khoa khám và điều trị, tư vấn cho nhà trường và gia đình có biện pháp điều trị dự phòng khắc phục các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh.
- Sau mỗi đợt khám sức khỏe định kỳ phải có báo cáo tổng hợp chi tiết kết quả đợt khám của từng trường (nếu một trường khám 2 lần/ năm phải ghi rõ khám lần 1, lần 2), từng cấp học để lưu lại trường và gửi Trung tâm y tế thành phố Yên Bái cùng báo cáo hoạt động y tế trường học theo qui định vào cuối tháng 12 và cuối năm học - cuối tháng 5).
5. Đối với nhà trường MN, TH, THCS, TH&THCS: Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung hoạt động y tế trong nhà trường.
- Thành lập, kiện toàn Ban chăm sóc sức khoẻ học sinh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và có nhân viên làm y tế trường học. Bố trí phòng y tế học đường, tủ thuốc có đầy đủ thuốc thông thường, bảo quản và sử dụng y dụng cụ, thuốc theo quy định, sơ cấp cứu ban đầu, chuyển người bệnh đến cơ sở y tế khi cần thiết.
- Xây dựng kế hoạch y tế trường học năm học, phối hợp với Trạm y tế, các ban ngành trong xã tổ chức thực hiện.
- Trong năm học tổ chức học ngoại khoá về y tế học đường ít nhất 1 lần, tổ chức lồng ghép có hiệu quả các kiến thức liên quan đến sức khỏe, vệ sinh môi trường trong các môn học, thường xuyên tuyên truyền GDSK, bệnh chân tay miệng, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích…vào các buổi sinh hoạt tập thể như chào cờ.
- Phối hợp với trạm y tế xã , phường và Trung tâm y tế thành phố trong công tác chăm sóc sức khoẻ học sinh, tổ chức khám sức khỏe định kỳ BHYT cho học sinh một lần/năm học vào đầu năm học để phân loại sức khỏe và có biện pháp điều trị bệnh. Quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe học sinh theo quy định.
Kinh phí khám, quản lý sức khỏe học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở theo quy định của ngành y tế.
- Tuyên truyền, giáo dục, tư vấn các vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh. Hướng dẫn, tuyên truyền học sinh tham gia Bảo hiểm y tế theo quy định của luật Bảo hiểm y tế.
- Đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh trường học về phòng học, phòng thí nghiệm thực hành, sân chơi, bãi tập; vệ sinh môi trường, xây dựng trường Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp, đảm bảo vệ sinh ATTP, thực hiện ăn chín - uống chín, tránh xảy ra ngộ độc thức ăn trong nhà trường, phòng chống các bệnh dịch, bệnh tật học đường (cận thị, cong vẹo cột sống)
- Khi có từ 2 em học sinh trở lên có triệu chứng bệnh giống nhau hoặc ốm đau nghỉ học nhiều phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất đến kiểm tra, kết luận và có biện pháp xử trí kịp thời các yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ học sinh, đồng thời báo cáo kịp thời cho bộ phận chuyên môn (phòng Giáo dục và Đào tạo).
- Hàng năm học nhà trường có kế hoạch hoạt động theo nội dung “Trường học nâng cao sức khoẻ ”, có sổ sách ghi chép đầy đủ các hoạt động y tế của nhà trường, tự tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động hàng tháng, học kỳ, năm học, chủ động làm báo cáo đầy đủ, đúng quy định:
+ Học kỳ I: Nộp báo cáo muộn nhất vào ngày 20 tháng 12 năm 2012
+ Học kỳ II: Nộp báo cáo muộn nhất vào ngày 15 tháng 5 năm 2013 (báo cáo gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trạm y tế xã, phường).
Về nội dung thực hiện công tác y tế trường học:
Đối với các trường phổ thông cần bám sát 6 nội dung được qui định tại điều 4: Quy định về hoạt động y tế trong các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Quyết định số 73/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên đây là kế hoạch hoạt động công tác y tế trường học năm học 2012-2013 của Phòng Giáo dục và Đào tạo – Trung tâm y tế thành phố Yên Bái. Yêu cầu các đơn vị y tế, giáo dục, các trường MN, TH, THCS, TH&THCS trên địa bàn toàn thành phố tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: | PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO (Đã kí)
Nguyễn Ngọc Hà | TRUNG TÂM Y TẾ (Đã kí)
Trịnh Thị Mai Phương |